Vấn đề cần lưu ý đến nhãn hiệu

Nhãn hiệu theo cách hiểu đơn giản là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa dịch vụ của chủ thể này với các hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể khác. Do vậy, bất cứ chủ thể nào khi thực hiện hoạt dộng sản xuất, kinh doanh cũng đều phải lựa chọn một nhãn hiệu riêng cho hàng hóa, dịch vụ của mình.

Nhãn hiệu là một khái niệm cụ thể với các quy định của pháp luật, do vậy trong quá trình sử dụng nhãn hiệu các chủ thể kinh doanh cần đảm bảo tính hợp pháp, trong đó cần chú ý đến một số vấn đề sau đây:

vấn đề cần lưu ý đến nhãn hiệu

1. Phân biệt giữa nhãn hiệu và thương hiệu

Hiện nay tồn tại một thực tế là khái niệm nhãn hiệu trong quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh lại được gọi là thương hiệu. Tuy nhiên, thực chất đây là hai khái niệm khác nhau, mặc dù pháp luật Việt Nam chưa quy định nhưng ở pháp luật một số nước trên thế giới thương hiệu được định nghĩa riêng với nhãn hiệu.

Khác với nhãn hiệu, thương hiệu được đề cập với cách hiểu rộng hơn là tất cả những cái gì gắn liền với sản phẩm, dịch vụ để có thể tạo ra chỗ đứng của sản phẩm, dịch vụ đó trong lòng người tiêu dùng. Vì vậy, thương hiệu là sự kết hợp của nhãn hiệu, khẩu hiệu, nhạc hiệu hay, chỉ dẫn địa lý gắn liền với sản phẩm, dịch vụ…

2. Các yếu tố cấu thành nhãn hiệu

Nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam phải là những dấu hiệu nhìn thấy được, nên nhãn hiệu được xác định có thể là chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ. Vì vậy, mùi vị, âm thanh mặc dù có thể là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau nhưng nó không được thừa nhận là yếu tố của nhãn hiệu và không được pháp luật bảo hộ.

Tuy nhiên, khác với pháp luật Việt Nam pháp luật của một số nước trên thế giới vẫn thừa nhận các mùi vị, âm thanh là các yêu tố cấu thành nhãn hiệu.

3. Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu

Nhãn hiệu là một trong số các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, do vậy chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ được pháp luật bảo hộ quyền này. Tuy nhiên, khác với một số quốc gia trên thế giới việc bảo hộ nhãn hiệu căn cứ vào việc sử dụng nhãn hiệu thì ở Việt Nam, nhãn hiệu (trừ nhãn hiệu nổi tiếng) chỉ được bảo hộ khi đã tiến hành thủ tục đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ.

Điều này có nghĩa là, pháp luật vẫn cho phép các nhà sản xuất, kinh doanh sử dụng nhãn hiệu mà không cần đăng ký, tuy nhiên nếu có tranh chấp xảy ra, pháp luật sẽ chỉ bảo hộ nếu nhãn hiệu đã được đăng ký.

4. Những loại nhãn hiệu được bảo hộ

Nhãn hiệu tập thể: là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

Nhãn hiệu chứng nhận: là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Nhãn hiệu liên kết: là nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau, dùng cho các sản phẩm, dịch vụ cùng loại, hoặc tương tự với nhau hoặc có liên quan với nhau.

Nhãn hiệu nổi tiếng: là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng  rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

5. Cách sáng tạo ra một nhãn hiệu mới

Số lượng nhãn hiệu hiện đang tồn tại trên thế giới là một con số khổng lồ. Việc tạo nhãn hiệu mới và bảo hộ chúng ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn, đòi hỏi trình độ chuyên môn ngày một cao hơn.

Sáng tạo ra nhãn hiệu mới là một vấn đề lớn và phức tạp liên quan đến chính sách sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp. Nhưng nhìn chung, khi tạo nhãn hiệu mới, doanh nghiệp cần phải chú ý để nhãn hiệu đó đáp ứng được hai mục tiêu chính là có giá trị thương mại và dễ bảo hộ.

Nhãn hiệu có giá trị thương mại phải là một dấu hiệu thu hút được sự chú ý của công chúng, đặc biệt là nó phải hấp dẫn đối tượng khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp có ý định chinh phục. Để đạt mục tiêu này, nhãn hiệu phải dễ phát âm, dễ nhớ, gây ấn tượng mạnh mẽ tới đối tượng mà nó hướng tới.

Nhãn hiệu dễ bảo hộ phải là dấu hiệu có tính phân biệt mạnh, tức là tính phân biệt đó phải rõ ràng và không gây tranh cãi, không gây nhấm lẫn, không gây hiểu nhầm về nguồn gốc và bản chất sản phẩm/dịch vụ. Điều quan trọng nhất, các dấu hiệu phải không giống và không tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu đang được bảo hộ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *