Blog Single

Thương hiệu và 5 sai lầm “chí mạng” trong cách thực thi

Thương hiệu và 5 sai lầm “chí mạng” trong cách thực thi

Dạo gần đây, cùm từ “Marketing thương hiệu” hay “Brand marketing” bỗng nở rộ lên như một trào lưu mặc dù nó đã tồn tại từ trước đây rất lâu. Chắc có lẻ vì thị trường ngày càng hà khắc hơn, tỷ lệ doanh nghiệp bị đào thải ngày càng cao và miếng bánh thị phần dần bị thu dẹp đối với nhiều ngành nghề. Điều này đòi hỏi những doanh nghiệp mới phải có yếu tố khác biệt và những doanh nghiệp cũ phải đổi mới mình để tiếp tục tồn tại và phát triển được trên thị trường. Thế là không chỉ những doanh nghiệp lớn có thâm niên mà những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã ý thức được về vai trò quan trọng của marketing thương hiệu cho con đường cạnh tranh lâu dài.

Thương hiệu và 5 sai lầm “chí mạng” trong cách thực thi

Điều này về cơ bản là một tín hiệu tốt cho thị trường trong nước bởi thực tế có rất nhiều sản phẩm tốt “made in VietNam” nhưng vì những hạn chế về marketing mà gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình thương mại hóa sản phẩm. Tuy nhiên, cái gì “quá” cũng luôn tồn tại những bất cập, việc làm marketing một cách ồ ạt cũng gây ra nhiều vấn đề, đôi khi không giúp doanh nghiệp mang lại những kết quả khả quan mà còn mất thời gian và một khoản tiền kha khá. Trong bài viết dưới đây, tôi xin phép được nêu ra một vài sai lầm mà những ai đang quan tâm tới “marketing thương hiệu” cần tránh khỏi hoặc cải thiện để có được những kết quả tốt hơn trong công việc kinh doanh của mình:

Không hiểu rõ về sản phẩm

Nghe tới đây chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng “làm gì có chuyện đó”, tuy nhiên những trường hợp như vậy không hề hiếm. Cho dù bạn sản xuất hay chỉ là thương mại một sản phẩm nào đó, điều kiện tiên quyết đó là bạn cần phải hiểu rõ sản phẩm của doanh nghiệp mình. Hiểu rõ ở đây không chỉ là quy trình sản xuất, tên gọi hay thành phần, công dụng, màu sắc,… mà hơn ai hết bạn cần phải biết sản phẩm mình có những đặc điểm nào nổi bật, khác biệt hoặc vượt trội hơn so với những sản phẩm tương tự khác, đặc biệt là so với những sản phẩm bạn xem là đối thủ cạnh tranh hiện tại của mình.

Để làm được điều này, bạn cần nắm rõ tất cả những thông tin từ nguyên liệu đến quy trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản,…và hiểu về sản phẩm đối thủ cạnh tranh của mình một cách rõ ràng. Chỉ có như vậy, bạn mới đủ tư liệu để đưa ra những nhận xét và đánh giá nền tảng về vị trí sản phẩm của doanh nghiệp hiện tại và phục vụ cho những quyết định mang tính chiến lược hơn trong tương lai.

Không nghiên cứu thị trường

Hầu hết, những doanh nghiệp vừa và nhỏ đều mắc phải sai lầm này. Đó chính là việc tìm hiểu nhu cầu và insight của khách hàng như thế nào thay vì chỉ chăm chăm vào khả năng của doanh nghiệp. Chúng ta cứ sản xuất hoặc nhập những mặt hàng chúng ta biết, chúng ta có khả năng mà quên mất việc tìm hiểu xem nhu cầu của khách hàng tại thị trường mục tiêu mà chúng ta hướng tới đó là gì, họ có suy nghĩ và hành vi như thế nào. Dẫn tới việc không ít các doanh nghiệp cứ sản xuất ra và ngồi “ôm cây đợi thỏ” hoặc sau đó mới đi nghiên cứu khách hàng thì sẽ rất mất thời gian và công sức, chưa kể đến nhiều mặt hàng có hạn sử dụng khá ngắn, dẫn đến thất thoát lớn thậm chí phá sản vì không trang trải được chi phí.

nghiên cứu thị trường

Nhưng nhiều người vẫn e ngại vì nghĩ làm nghiên cứu thị trường cần một quy mô lớn và tốn kém nhiều chi phí. Điều này không sai, tuy nhiên bạn vẫn có thể bắt đầu với một quy mô nhỏ nhưng hãy cố gắng lắng nghe và quan sát thật kĩ những phản ứng và thái độ của họ, đây mới là điểm cốt lõi của việc nghiên cứu thị trường chứ không phải chỉ là những con số thống kế nằm trên mặt giấy. Vì “hành trình vạn dặm luôn bắt đầu từ những bước chân đầu tiên”.

Dàn trải nguồn lực

Chúng ta luôn có quá nhiều thứ muốn làm và muốn đạt được tuy nhiên nguồn lực của mỗi doanh nghiệp chắc chắn có hạn. Chính vì thế, chúng ta chỉ có thể lựa chọn đâu là điều cần thiết nhất cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại và nên thực hiện nó trong bao lâu trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Bởi làm marketing thương hiệu là một cuộc đua đường dài, đòi hỏi mỗi người chơi phải có chiến thuật riêng của mình, còn nếu mới bắt đầu chúng ta vội vàng và dốc hết sức mình để vượt mặt đối thủ thì rất dễ kiệt sức trước khi kịp về đích.

Thay vì đầu tư thật nhiều tiền thì vẫn nên chọn cách đầu tư hợp lý để mang lại hiệu quả với nguồn ngân sách phù hợp nhất. Thay vì tìm cách để giới thiệu tất cả mặt hàng mà doanh nghiệp hiện có thì tôi khuyên bạn chỉ nên chọn tập trung vào 1 hoặc 2 sản phẩm chủ lực mà bạn cảm thấy tiềm năng nhất và đầu tư hình ảnh cho nó, sau đó những sản phẩm còn lại sẽ được kế thừa danh tiếng đã có của sản phẩm chủ lực.

Thiếu nhân lực lõi

Nhắc tới “lõi” đó là nhắc tới sự cần thiết, không thể thiếu, không thể mất đi và nhân sự lõi cũng vậy. Nhân sự lõi là những người đủ tâm, đủ tầm để đưa công ty phát triển, có thể được ví như trụ cột chống đỡ của doanh nghiệp. Những nhân sự khác có thể thay thế dễ dàng nhưng nhân sự lõi thì không. Nhân lực lõi giúp doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì và hoạt động một cách có hệ thống thậm chí trong những tình huống ngặt nghèo nhất. Để giải quyết được bài toán thương hiệu, đưa doanh nghiệp đi xa và lâu dài không thể nào thiếu sự đóng góp của nguồn nhân lực lõi. Để có được nguồn nhân lực lõi này, doanh nghiệp cần có những chính sách đãi ngộ phù hợp, những tiêu chí rõ ràng cụ thể và chương trình đào tạo bài bản nhằm tìm kiếm những người phù hợp và giữ chân họ ở lại lâu dài cùng phát triển doanh nghiệp.

Thủ tục pháp lý

Đừng chỉ chăm chăm vào làm việc bằng đam mê và trí óc của mình mà quên đi việc hoàn thành những thủ tục pháp lý cần thiết cho doanh nghiệp bởi điều này là vô cùng nguy hiểm. Không hiếm những trường hợp vì thiếu xót trong pháp lý mà mất trắng tất cả những thành quả của mình. Cho dù bạn thông minh hay tài giỏi như thế nào thì vẫn phải tôn trọng và tuân thủ những quy định của quốc gia nơi mình đang kinh doanh. Không những vậy, việc hoàn thiện đầy đủ những thủ tục pháp lý cần thiết cũng là cách bảo vệ doanh nghiệp trước sự cạnh tranh của những đối thủ khác, đặc biệt việc đăng kí những chứng nhận liên quan tới sáng chế, kiểm định là yếu tố quan trọng giúp bạn khẳng định sản phẩm với khách hàng của mình trong suốt quá trình kinh doanh.

đăng ký nhãn hiệu trực tuyến

Marketing thương hiệu là một chặng đường lâu dài, cần một tầm nhìn đủ xa và rộng. Chắc chắn luôn luôn tồn tại những khó khăn bởi nó đòi hỏi nhiều kĩ năng, công sức và tiền bạc. Tuy nhiên, thành công mà nó mang lại đó chính là sự thịnh vượng và phát triển bền vững trong kinh doanh. Hi vọng, với những chia sẻ trên đây giúp bạn đọc có cho mình thêm hành trang để bắt đầu hành trình xây dựng hình ảnh riêng cho doanh nghiệp của mình và giảm thiểu được những rủi ro không đáng có.

Trâm Bích

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *